Đàn tính – Những nét văn hóa độc đáo đậm chất bản sắc dân tộc
Đàn Tính Tẩu (hay Đàn Tinh Tẩu) (còn gọi là Đàn Tính hayĐàn Tẩu) là nhạc cụ khảy dây được dùng phổ biến ở một số dân tộc miền núi tại Việt Nam như người Thái, người Tày, người Nùng,… Ở vài vùng thuộc Trung Hoa, Lào, và Thái Lan người ta nhận thấy cũng có nhạc cụ này. Trong tiếng Thái,Tính có nghĩa là Đàn, còn Tẩu là Bầu (quả Bầu), dịch ra tiếng Việt, Tính Tẩu có nghĩa là Đàn Bầu. Để khỏi nhầm lẫn với loạiĐàn Bầu của người miền xuôi, nhiều người gọi Tính Tẩu làĐàn Tính nhưng nếu dịch ra “Đàn Đàn” thì sai. Do đó chỉ cần hiểu Đàn Tính là cách gọi tắt của Đàn Tính Tẩu.
Đàn tính là nhạc cụ tiêu biểu, gắn liền với đời sống tinh thần của các tộc người Tày, Nùng, Thái. Đàn tính có từ bao giờ, không ai còn nhớ. Người ta chỉ biết rằng, thuở ấy từ xa xưa lắm, có anh chàng tên là Xiên – Cân đã ngoài ba mươi tuổi mà vẫn chưa lấy được vợ. Một hôm đi ra ngoài suối lấy nước khi nhìn xuống mặt nước anh giật mình vì đã già đi nhiều quá. Buồn lo cho sự hẩm hiu của duyên số, Xiên – Cân chỉ còn biết đánh bạn với đàn hát. Anh bèn lên trời xin nàng Dâu hạt giống cây dâu về trồng ở dưới trần. Thấm thoát ngày tháng cây dâu đã lớn, cành lá tốt tươi và đàn tằm của anh cũng miệt mài thả tơ.
Khi đã có cây tơ và bầu, Xiên – Cân lên rừng kiếm cây "Khảo hương" làm cần đàn và sừng đàn. Anh mắc vào cây đàn của mình 12 dây tơ. Mỗi khi buồn phiền anh lại lấy đàn ra gẩy. Nghe tiếng đàn của anh, muôn loài đều say mê, cũng nhiều con héo hon đau khổ vì tiếng đàn. Thấy vậy Bụt đã bắt đã bắt Xiên – Cân cắt đi 9 dây, chỉ còn cho phép để 3 dây. Cây đàn 3 dây bằng tơ này chính là cây đàn tính của người Tày bây giờ.
Cây đàn tính trong âm nhạc then giữ vị trí và vai trò quan trọng. Nó vừa là dẫn dắt, vừa là đệm nhưng đồng thời cúng là một giọng hát thứ hai, bổ sung cho giọng hát nghệ sĩ diễn xướng. Chính đàn tính với phần việc của nó đã góp phần làm hoàn chỉnh những cấu trúc làn điệu âm nhạc then.
Đàn tính thuộc đàn họ dây. Khi đánh đàn, dùng ngón tay trỏ của tay phải để gảy. Nó được làm bằng quả bầu cắt đi 1/3 và cần đàn. Kinh nghiệm dân gian mà sau này như một công thức cho tỷ lệ bầu đàn và cần đàn là “slam căm tẩu, cẩu căn càn” (tức là chiều rộng mặt bầu được đo bằng ba nắm tay, chiều dài cần đàn là chín nắm tay). Đàn gồm ba dây, dây thấp nhất lại là dây giữa, luôn luôn thấp hơn dây cao nhất một quãng 8. Có hai kiểu lên dây, quãng 5 (tăng nặm), quãng 4 (tàng bốc). Tên gọi của các dây như sau: Dây cao gọi là Tiền dây, thấp gọi là Hậu, dây trầm ở giữa là Trung. Cách lên dây đàn cũng có những quy định như sau: Khi đang đàn ở “táng nặm” (quãng 5) muốn đổi sang “tàng bốc” (quãng 4) hoặc ngược lại, thì chỉ có thể điều chỉnh dây hơi lên hoặc xuống chứ không bao giờ được điều chỉnh dây Tiền.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dù xã hội đã nhiều thay đổi, nhưng đến nay, cây đàn tính vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tình cảm, trong tâm hồn người Tày, Nùng. Huyền thoại xưa về cây đàn của Xiên – Cân tuy đã bị Bụt bắt cắt 9 dây, song sức mạnh chinh phục lòng người của nó vẫn còn sống mãi với thời gian, hoà cùng với các làn điệu then tạo thành bản sắc riêng của cư dân thung lũng.
Đàn tính đã trở thành nét văn hóa mạng đậm bản sắc, một thứ nhạc cụ được sản sinh ra từ quá trình khổ công lao động, sáng tạo và đúc kết từ tình yêu thiên nhiên của người xưa. Nó có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống, sinh hoạt văn hóa của đồng bào tày, thái. Vì vậy đòi hỏi các ngành, cấp cần chú trọng quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, theo tinh thần nghị quyết TW5 khóa 8 “Về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Tổng Hợp
Không có nhận xét nào:
Write nhận xét