Chùa Phúc Lâm ở thôn Nà Tông – Thượng Lâm. Ngôi chùa được tọa lạc trên một khu đất cao, rộng, thoáng đãng và bằng phẳng. Chùa Phúc Lâm được nằm trên gò đất rộng khoảng 600m2 dưới chân núi Chùa.
Diện mạo Chùa Phúc Lâm hiện nay |
Là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời nhà Trần, vào khoảng thế kỷ XIII - XIV. Mặc dù là một ngôi chùa nhỏ, nhưng chùa Phúc Lâm là một minh chứng rõ ràng nhất về hoạt động tôn giáo - tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc vùng cao.
Chùa Phúc Lâm toạ lạc trên một khu bằng phẳng, dưới chân ngọn núi Cô Tiên cao sừng sững. Xung quanh ngôi chùa là các dãy núi đá vôi hùng vĩ của vùng đất Thượng Lâm huyền thoại. Cũng giống như các di tích lịch sử khác, chùa Phúc Lâm cũng chịu tác động mạnh mẽ của thời gian, Tại khuôn viên cũ của ngôi chùa xưa các nhà nghiên cứu đã phát hiện nhiều dấu tích, hiện vật như: mảnh tháp đất nung, các mảng phù điêu, các tảng đá xanh kê chân cột... Mặc dù hiện nay vẫn chưa có một tư liệu thành văn nào ghi chép về sự ra đời của chùa Phúc Lâm, nhưng qua các dấu tích khai quật được, các nhà nghiên cứu khẳng định, chùa Phúc Lâm mang phong cách kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc từ thời Trần (thế kỷ XIII - XIV), điều này chứng tỏ lịch sử khai phá lâu đời và sinh hoạt tôn giáo phong phú của đồng bào các dân tộc nơi đây. Việc phát hiện những dấu tích của chùa Phúc Lâm là một đóng góp quan trọng trong quá trình nghiên cứu lịch sử, kiến trúc và mỹ thuật tôn giáo thời Trần ở vùng cao Lâm Bình.
Phia trong ngôi chùa |
Với ý nghĩa quan trọng về lịch sử, văn hoá, khoa học và nghệ thuật, ngày 29/09/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định công nhận Chùa Phúc Lâm xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang là di tích cấp quốc gia..
Những yếu tố tâm linh gắn với các truyền thuyết về lịch sử đã làm nên sự linh thiêng, cổ kính của chùa Phúc Lâm. Điều này cũng đang đặt ra vấn đề bức thiết là phải phục dựng lại ngôi chùa xứng tầm với lịch sử và tín ngưỡng văn hoá của nhân dân quanh vùng. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, ngày 22/8/2011 UBND tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt chủ trương đầu tư phục dựng lại ngôi chùa, đây là một tin mừng cho chính quyền và nhân dân huyện Lâm Bình. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đến nay ngôi chùa đã được phục dựng lại theo đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Chùa được dựng bằng gỗ, theo hướng Tây Nam, nằm ngay trên khuôn viên của ngôi chùa cũ, kiến trúc hình chữ Nhất theo phong cách kiến trúc cổ Việt Nam, gồm một gian hai chái, mái lợp gạch nung. Hai gian Tiền đường của chùa là hai pho tượng Hộ pháp đặt ở vị trí sát vách có nhiệm vụ cai quản một khu vực vùng núi rộng lớn, thuộc Nà Hang và Chiêm Hóa xưa. Giữa Tiền đường là nơi đặt hương án, phía sau là tòa Tam bảo, bao gồm các tượng Phật Tổ Như Lai, Quan Thế Âm, tượng các Bà Chúa Sơn Lâm, Sơn Trang... Hầu hết các tượng được làm bằng gỗ, để mộc ở tư thế ngồi thiền, không sơn son thếp vàng, không được chạm khắc trau chuốt, đường nét không mềm mại nhưng rất có hồn, dáng vẻ tự nhiên.
Hàng năm, cứ vào dịp lễ tết (nhất là dịp lễ hội Lồng Tông vào ngày 15 tháng giêng), nhân dân và du khách gần xa đến với Lâm Bình đều hướng tới ngôi chùa Phúc Lâm để tham quan, cầu an, cầu lộc, cầu cho mùa màng bội thu. Đây sẽ là một điểm đến thu hút người dân và du khách thập phương mỗi dịp tết đến xuân về
Đến Thượng Lâm du khách còn rất ấn tượng với những nếp nhà sàn vương làn khói trắng, thanh bình thấp thoáng ven những triền núi. Thật ấm cúng khi du khách cùng ăn những bữa cơm thân mật với gia chủ. Trên sàn nhà bên bếp lửa hồng cùng nhau nâng bát rượu ngô và thưởng thức các món ăn truyền thống do các bà, các mế, các thiếu nữ nấu. Những món ăn như măng rừng luộc chấm mẻ, rượu ngô, cá ướp mẻ nướng, rau dớn xào, canh đắng... mang dư vị của núi, của rừng đủ làm du khách say lòng với đất và người Thượng Lâm.
Tổng Hợp
Không có nhận xét nào:
Write nhận xét