Page Redirection If you are not redirected automatically, follow the link to our homepage.

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Hang Phia Muồn

Hang Phia Muồn là hang ở núi Phia Muồn, gần bản Nà Lạ, xã Sơn Phú, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang
Hang Phia Muồn đã được người dân biết đến từ lâu. Ông Phùng Dừn Phụng (67 tuổi), dân tộc Dao ở thôn Nà Lạ cho biết: “Khi còn nhỏ, tôi đã được cha mẹ kể về hang Phia Muồn. Đó là nơi thần linh ngự trị phù hộ cho bản làng tốt tươi được mùa, nên vào dịp lễ tết, người bản đều thắp hương ở cửa hang”
Cận cảnh di cốt người tiền sử.
Năm 2005, anh La Văn Chiến, giáo viên Trường Tiểu học Sơn Phú vào rừng và nhặt được chiếc rìu đá thời tiền sử. Sự huyền bí và linh thiêng của hang được gợi lại.

Đến năm 2007 Bảo tàng Tuyên Quang và Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật khu vực lòng hang

Di tích hang Phia Muồn (Sơn Phú) nằm trong khu vực phổ biến là những núi đá phiến sét vôi xen kẽ những núi đất, những dải thung lũng hẹp và những thảm rừng nguyên sinh còn khá nguyên vẹn. Phia Muồn là một di chỉ cư trú và là khu mộ táng của cư dân thuộc nhiều giai đoạn tiền sử khác nhau. Địa tầng và di vật khảo cổ học kèm theo cho thấy có 2 mức văn hóa thuộc 2 giai đoạn phát triển hậu kỳ đá mới: Mức sớm chứa những công cụ tiêu biểu kỹ nghệ truyền thống Hòa Bình như rìu ngắn, công cụ hình đĩa, công cụ bầu dục vv... Sự có mặt của nhiều mảnh tước chứng tỏ người nguyên thủy Phia Muồn đã chế tác công cụ ngay tại di chỉ. Lớp văn hóa sớm thuộc giai đoạn sớm của hậu kỳ đá mới, có niên đại khoảng từ 4.300 - 4.000 năm cách ngày nay. Lớp văn hóa muộn thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí có niên đại từ 4.000 - 3.500 năm cách ngày nay. Hai lớp văn hóa sớm và muộn nằm chồng trực tiếp lên nhau, phát triển liên tục, không có lớp giãn cách. Táng tục và đồ tùy táng cho thấy, toàn bộ 12 ngôi mộ thuộc hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí là tục chôn người thân ngay trong di chỉ, với một số loại táng thức mới: bên cạnh táng thức truyền thống trước đó, kiểu chôn người chết nằm co, bó gối là táng thức nằm ngửa, duỗi tay chân và kè đá xung quanh. Những tài liệu ở Phia Muồn đã cung cấp thêm về một loại táng thức cổ mới phát hiện ở Tuyên Quang, đó là tục chôn kè đá vây xung quanh huyệt mộ và rải đá lên thân thể người chết đã hình thành một loại hình văn hóa Hòa Bình thuộc lưu vực sông Gâm, với những sắc thái riêng, tạo nên diện mạo, bản sắc vùng, phản ánh tính đa dạng trong thống nhất của nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng.

Có thể nói, Phia Muồn là một trong những nơi chứng minh rõ nhất về loài người thời tiền sử, đặc biệt là cách an táng người đã khuất. Những bộ di cốt được an táng theo những cách thức đặc biệt trong lịch sử Việt Nam cũng được các nhà khảo cổ đặc biệt lưu tâm tại hang Phia Muồn.

Tại ngôi mộ thứ nhất, đoàn khảo cổ tìm thấy một bộ di cốt trong tư thế nằm ngửa, phía dưới cổ đặt một nồi gốm to với hoa văn thừng sắc nét và những dấu vết của ám khói. Người chết được rải đá dọc trên thân thể, kèm theo là hàng chục công cụ tuỳ táng được chôn cất cùng hài cốt. Trong khi đó, thông thường một người chết thời kỳ này chỉ được kèm theo 1-2 công cụ tuỳ táng. Theo PGS.TS Trần Năng Chung, điều này chứng tỏ người chết khi còn sống trong cộng đồng đã giữ một vị trí, vai trò quan trọng nào đó.

Tại một ngôi mộ khác, các nhà khảo cổ lại phát hiện những đặc điểm rất đặc biệt. Xung quanh người chết được cắm dọc những phiến đá dài chừng 40cm tạo thành một huyệt mộ hình bầu dục. Hiện tượng này rất hiếm gặp, hầu như mới xuất hiện tại Việt Nam 1 đến 2 lần trong số hàng ngàn cuộc khai quật. Lý giải về việc tất cả các mộ cốt đều có đá rải kèm trên cơ thể, PGS.TS Trình Năng Chung xác định: “Đây vừa là cách đánh dấu huyệt mộ, vừa xuất phát từ quan điểm “vạn vật hữu linh” của tộc người thời đồ đá. Người xưa cho rằng, con người sinh ra từ đá và chết đi lại trở về với đá. Đá chính là nơi trú ngụ của linh hồn”.
http://tuyenquang.gov.vn:2222/Image/image/BQLDLNH/Huu/huu/1_phia_muon.jpg
Các nhà khảo cổ học trong hang Phia Muồn
Cho đến nay, tư thế chôn vẫn được các nhà khảo cổ Việt Nam xem là độc đáo hơn cả. Với tư thế chôn nằm nghiêng, bó gối, co tay tại ngôi mộ số 1 và 12 được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đây là cách an táng dựa trên quan điểm người chết sẽ trở về trạng thái ban đầu khi còn trong bào thai và hy vọng kiếp sau người chết sẽ được trở lại sinh sống làm người. 

Cũng có ý kiến cho rằng, tư thế chôn này thể hiện sự mâu thuẫn trong nhân sinh quan và thế giới quan của người tiền sử. Nghĩa là, người chết thường được chôn ngay với nơi ở để được gần gũi với những thành viên khác trong gia đình. Nhưng do những người còn sống lo sợ việc linh hồn người quá cố sẽ quấy rầy cuộc sống của họ, nên khi chôn, người chết thường bị bó chặt chân tay để không thể quấy rầy người còn sống. Hiện nay, nhiều di vật tìm thấy tại Phia Muồn đã được chuyển về Bảo tàng tỉnh và được bảo quản cẩn thận để mọi người dân trong tỉnh, du khách có thể hiểu hơn về những phong tục độc đáo của cha ông thời kỳ trước.

    Choose :
  • OR
  • To comment
Không có nhận xét nào:
Write nhận xét